Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Hội trường

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Hội trường

         Ngày 27/10/2022, theo chương trình kỳ họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

        Tham gia thảo luận tại Hội trường, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự đồng tìnhvới Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vềkết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

a thang ngay 27.10.jpg

Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội trường

          Theo đại biểunăm 2022, là năm có bối cảnh khá đặc biệt, đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, cả thế giới và Việt Nam đã và đang chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, những tác động ảnh hưởng của hậu COVID-19 còn rất nặng nề, nhiều yếu tố tác động khách quan cả trong và ngoài nước đều bất thường, khó lường, khó dự báo; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, chủ động, linh hoạt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó phải nói đến những quyết sách kịp thời chưa có tiền lệ của Quốc hội thông qua việc ban hành Nghị quyết số 30 của Quốc hội ngay từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và sau đó là Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng ngay từ đầu năm 2022 đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội trong nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô được giữ được ổn định. Dù thế giới gia tăng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng Việt Nam đã kiểm soát tốt, dự báo có thể giữ được mục tiêu Quốc hội đặt ra; thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc; tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt cao hơn dự báo và kỳ vọng, đời sống nhân dân, nhất là của người nghèo, người khó khăn được đảm bảo hỗ trợ. Tuy nhiên, nhìn vào những lĩnh vực cụ thể, những khía cạnh sâu cũng còn nhiều điều chúng ta cần phải quan tâm, trăn trở, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công, giải nhân vốn ODA tiếp tục chậm, với tỷ lệ thấp.

        Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai sớm, nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Đến nay, tỷ lệ giải ngân không đáng kể, chủ yếu mới giải ngân phần vốn của địa phương;giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng chậm. Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng.

        Thời gian vừa qua, Ngân hàng nhà nước nâng lãi suất điều hành tín dụng, điều chỉnh biên độ tỷ giá lên mức cao nhất. Điều này kéo theo chi phí vốn huy động, lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao, đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.

        Đại biểu bày tỏ đồng tình cao với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm thêm một số vấn đề sau:

       Thứ nhất, chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của Việt Nam; từ đó báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp, nguy cơ lạm phát, giá cả đầu vào và những dấu hiệu của thị trường tiền tệ, tài chính đã thực sự tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của xã hội.

       Thứ hai, cần linh hoạt, công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, nhất là nguồn vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội trong bối cảnh phục hồi. Dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường người lao động để người dân và doanh nghiệp chủ động thích ứng.

       Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, giảm việc chi chuyển nguồn vốn ngân sách nhà nước từ năm trước sang năm sau. Xu hướng này đang có dấu hiệu gia tăng những năm gần đây, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

        Thứ tư, sớm sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật khác, nhằm hướng tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, nhưng cần phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước.

        Thứ năm, cùng với việc thực hiện nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, cần xem xét, cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương, góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương. Bên cạnh đó, nên sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội, hiện nay đang là 360.000 đồng/1 tháng là rất thấp và khó khăn cho các đối tượng được trợ giúp.

a khai ngay 27.10.jpg

Đại biểu Trần Văn Khải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

phát biểu thảo luận tại hội trường

         Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam có một số ý kiến làm rõ thêm kết quảkinh tế xã hôi của đất nước trong 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2022; đồng thời chỉ ra một số  vướng mắc đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm khắc phục như:

        Về thể chế, Chính phủ vẫn chưa có những cải cách đủ mạnh để tạo lập một thể chế mạnh mẽ và hiệu quả cao cho những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới cần quyết liệt hơn trong việc đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng lực lao động, năng suất lao động; đặc biệt là cải cách thể chế để bộ máy hành chính có thể phát huy tối đa tiềm năng, vị thế và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trước Tổ quốc.

        Về tình trạng một số cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Thực tế hiện nay có một số bộ phận không nhỏ công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực; việc cấp bách hiện nay là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ ưu đãi để tuyển chọn và xây dựng những đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc mình. Bởi một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng sẽ tạo môi trường làm việc tốt, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ để nuôi bản thân, gia đình, được pháp luật bảo vệ. Đại biểu Trần Văn Khải tin tưởng rằng với sự đoàn kết của hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn dân, doanh nghiệp và với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự chủ động, đồng hành của Quốc hội và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công những mục tiêu ngắn hạn trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.