Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội trong Tổ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 18
Tham gia góp ý về 02 dự án Luật, các đại biểu quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thống nhất cao với sự cần thiết ban hành các dự án Luật. Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia một số ý kiến cụ thể đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp như: đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ đào tạo, phát triển nhân lực trong mục nhiệm vụ công nghiệp an ninh; nghiên cứu bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (quy định tại Điều 5 của dự án Luật); đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ Điểm d khoản 2 Điều 49 của dự án Luật, doanh nghiệp được giảm hoặc miễn truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong trường hợp do thực hiện quyết định động viên công nghiệp để phục vụ đất nước là trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm dân sự. Đồng thời cần rà soát với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự các quy định về giảm hoặc miễn truy cứu để có sự điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất...
Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, |
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi thảo luận |
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Phạm Hùng Thắng có một số ý kiến như: đề nghị tại điểm b khoản 1 điều 1 cần quy định cụ thể các loại tài sản tương ứng với pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông (hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt quốc gia, đường bộ....) để bảo đảm tính rõ ràng, mạch lạc của quy định; tại điểm c khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc việc không cho các đối tượng “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột...” đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản, vì những người này tuy có liên quan về mặt huyết thống nhưng có thể không có kinh tế chung, không có lợi ích chung, không có tác động lẫn nhau để làm sai lệch kết quả đấu giá. Việc cấm đối với các trường hợp này có thể ảnh hưởng đến quyền của các cá nhân tham gia đấu giá..