Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm...

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19...

         Sáng ngày 06/01/2023, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ.

to9_ngay06.png

Các vị đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH các tỉnh:

Hà Nam, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ thảo luận tại Tổ 9

          Tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

akhai_ngay06.png

Đại biểu Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại tổ  

         Đóng góp về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Đại biểu Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội thông qua; việc thông qua nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần phân bổ, tổ chức không gian phát triển quốc gia; làm căn cứ định hướng cho quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Để thực hiện tốt việc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

         Quy hoạch tổng thể quốc gia phải tạo ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguồn lực của đất nước; tập trung vào quy hoạch biển, phát triển kinh tế biển kết nối quốc tế, tạo động lực cho phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện cụ thể của từng vùng, từng miền; Quy hoạch tổng thể quốc gia làm căn cứ để định hướng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; Quy hoạch tổng thể quốc gia không ảnh hưởng quy hoạch cấp dưới nhưng phải chi tiết, cụ thể, định hướng cho quy hoạch cấp dưới, có tiêu chí, mục tiêu, mức độ chi tiết phù hợp theo từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực; cụ thể hoá về phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch; rà soát hoàn thiện dự kiến danh mục các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên thực hiện các bản đồ, phụ lục của quy hoạch tổng thể quốc gia. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai nhanh các quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

        Về việc xem xét, tổng kết, đánh giá thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30/2021/QHXV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19;

        Đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng Chính phủ, các ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chậm, y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu; thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng; tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chính sách đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng; còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch, một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.

athang.png

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại tổ  

         Đối với việc xem xét, tổng kết, đánh giá thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30/2021/QHXV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Phạm Hùng Thắng, cho biết: Qua giám sát thực tế của Đoàn ĐBQH tỉnh về công tác huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid 19 thực tế tại địa phương nhận thấy, vẫn còn một số khó khăn, bất cập trong việc sử dụng các nguồn lực; văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền chưa cụ thể về nội dung, đối tượng, chế độ, mức chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19, dẫn đến các cấp, các ngành khó khăn trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực và quyết toán, chi trả các chế độ cho các đối tượng được thụ hưởng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

         Từ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Phạm Hùng Thắng có một số ý kiến để Quốc hội, Chính phủ quan tâm tháo gỡ:

        Thứ nhất, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Chính phủ, các bộ ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn ủng hộ phòng chống dịch Covid 19, trong đó quy định cụ thể về các nội dung, đối tượng, chế độ, định mức phục vụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19;

         Thứ hai, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thanh toán đối với nguồn lực xã hội hóa, trong đó tính đến sự phù hợp với thực tế ở giai đoạn cao điểm trong phòng chống dịch;

       Thứ ba, Chính phủ quy định rõ trách nhiệm, thống nhất quản lý nhà nước đối với công tác vận động, tiếp nhận, phân phối sử dụng nguồn, quỹ đóng góp của các tổ chức, các nhân. Hiện nay theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội chủ trì vấn đề này; tuy nhiên, nội dung thể hiện chưa rõ, đề nghị Chính phủ quy định sau khi phát động ủng hộ, tiến hành thành lập các Ban vận động, Ban vận động có trách nhiệm ban hành quy chế, định mức, chế độ sử dụng các nguồn ủng hộ, để bảm bảo nguồn lực huy động có thể sử dụng kịp thời, đảm bảo đúng mục đích, phát huy tốt, hiệu quả trong huy động phòng chống dịch bệnh.

          Đối với nội dung đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn, hiệu lực; Đại biểu Trần Văn Khải, đại biểu Phạm Hùng Thắng nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.


Tin liên quan