Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

        Sáng ngày 16/3/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phiên họp được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.jpg

         Dự tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam; đồng chí Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH trong đoàn ĐBQH tỉnh công tác tại địa phương. Tham dự phiên họp có đồng chí Bùi Văn Hoàng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Công thương, Tài nguyên & Môi trường, Cục Quản lý thị trường; Lãnh đạo Văn phòng: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND  tỉnh.

         Phát biểu khai mạc phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn đời sống của Nhân dân, tổng hợp đề xuất chất vấn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Ngành Công thương và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân. Để đảm bảo hiệu quả của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu trên cơ sở quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng nhóm vấn đề chất vấn, tập trung vào việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, những vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn; Đồng thời, đề nghị các thành viên Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm vấn đề trước mắt cũng như định hướng lâu dài đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại nhiều ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước...

 2.jpg

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn buổi sáng tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

        Ngay sau khi khai mạc phiên chất vấn, trong phiên họp buổi sáng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương,

         Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào những vấn đề: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

       Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công an.

        Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

3.jpg

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn buổi chiều tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

           Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

             Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp.

          Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề được ĐBQH quan tâm; giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn tồn tại, hạn chế; Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các Bộ trưởng trong việc đề xuất một số giải pháp, nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH tại phiên chất vấn, để khắc phục tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ: xây dựng kịch bản nâng cao năng lực dự báo, sát sao, quyết liệt hơn để ổn định nguồn cung, bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân; Có giải pháp phù hợp để giải quyết được nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; Cân đối, điều hành kịp thời, linh hoạt giữa sản xuất, nhập khẩu dự trữ để đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn và dài hạn. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng, dầu theo sát với diễn biến của thị trường; Có giải pháp hiệu quả để đảm bảo giá xăng, dầu phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là mặt hàng nông sản. Khẩn trương ban hành, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu chính ngạch qua biên giới và cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số mặt hàng xuất khẩu nông sản, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch để đa dạng hóa và các phương thức vận tải...

         Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường: hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng, miền. Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo không gian cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai. Bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất. Thực hiện tốt các chính sách mới trong bảo vệ môi trường; đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức về môi trường, nhất là việc xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt…