Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thảo luận ở tổ về:Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa...

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Quốc hội thảo luận ở tổ về:Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

         Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10/2022 các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ cùng các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế.

       Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận nhất trí sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vàcần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

to 9-24.10.png

Các vị đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH các tỉnh:

Hà Nam, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế thảo luận tại Tổ 9

        Trên cơ sở nội dung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;Báo cáo thẩm tra dự án luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi của Ủy ban Kinh tế của Quối hội,các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tập trung cho ý kiến về một số nội dung:Tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; đánh giá rủi ro rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ; dấu hiệu đáng ngờ; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT; vệc sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng chống rửa tiền... và đóng góp, cho ý kiến vào dự thảo các nghị quyết.

        Phát biểu đóng góp đối với Dự thảo nghị quyết về nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi; Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam có một số ý kiến:

a thang-24.10.png

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại tổ

        Đối với dự thảo Nghị quyết về ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi, đại biểu Phạm Hùng Thắng nhất trí sự cần thiết sửa đổi nội quy kỳ họp, nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chương trình hành động của Quốc hội để hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp của Quốc hội trên cơ sở kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp,góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội.

        Về nội dung, đại biểu nhất trí với bố cục của dự thảo Nghị quyết và 31 nhóm vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Bên cạnh đó đại biểu có một số ý kiến cụ thể như sau:

        Thứ nhất, tại Khoản 2, Điều 3 của dự thảo nghị quyết quy định về trách nhiệm của đại biểu trong trường hợp không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp, theo đó, khi vắng mặt đại biểu Quốc hội vừa phải báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời phải thông báo đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo với Chủ tịch Quốc hội. Theo đại biểu quy định này hơi rườm rà. Đại biểu đề nghị đối với các đại biểu Quốc hội khi không thể tham gia các phiên họp của kỳ họp hoặc đối với trường hợp nghỉ trên 02 ngày báo cáo bằng văn bản (nêu rõ lý do) báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp để báo cáo đối với Tổng thư ký để Tổng thư ký của Quốc hội báo cáo với Chủ tịch Quốc hội; đồng thời, đề nghị trong Điều 3 cũng bổ sung về quy định đối với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh khi không thể tham gia, không dự được các phiên họp của Quốc hội.

        Thứ hai, Khoản 3,Điều 18 về việc thảo luận tại phiên họp toàn thể quy định về thời gian phát biểu, giải trình tại phiên họp: Điểm a quy định đại biểu Quốc hội phát biểu lần thứ nhất trong thời gian là 07 phút, lần thứ hai là không quá 03 phút;tuy nhiên trong thời gian vừa qua, có phiên họp Chủ tọa kỳ họp cũng đã có những điều chỉnh đối với thời gian phát biểu của các đại biểu Quốc hội từ 07 phút xuống 05 phút; Đại biểu đề nghị căn cứ vào số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tại phiên họp,Chủ tọa phiên họp quy định cụ thể về thời gian phát biểu của các đại biểu tại phiên họp.

        Thứ ba, Điểm a, Khoản 4, Điều 18 quy định về việc kéo dài thời gian của phiên họp là không quá 60 phút, đại biểu nhất trí với việc kéo dài thời gian nhưng đại biểu đề nghị thời gian kéo dài phiên họp không quá 30 phút.

       Thứ tư, Điều 19 quy định về thời gian chất vấn, thời gian tranh luận của đại biểu, theo đó thời gian chất vấn của đại biểu quốc hội là không quá 01 phút, thời gian tranh luận của các đại biểu tại các phiên chất vấn không quá 02 phút; đại biểu đề nghị điều chỉnh đối với thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các phiên chất vấn là không quá 02 phút và thời gian tranh luận của các đại biểu Quốc hội là không quá 03 phút. Đồng thời, đề nghị có quy định cụ thể về thời gian kéo dài thêm tại các phiên chất vấn để phù hợp giữa Điều 18 và Điều 19.

        Về nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Đại biểu Phạm Hùng Thắng nhất trí đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức; đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định xử lý kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là việc đưa nội dung này vào trong nghị quyết chung của kỳ họp; đại biểu đề nghị nghiên cứu ban hành một Nghị quyết riêng.

a hung-24.10.png

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại tổ

       Cũng tại phiên thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến đối với Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam có một số ý kiến:

       + Khoản 1, Điều 4, đề nghị rà soát và làm rõ ngoài kinh doanh bảo hiểm nhân thọ còn có các loại hình bảo hiểm nào khác có thể lợi dụng để rửa tiền hay không? Quy định như vậy sẽ đầy đủ hơn, tránh bỏ lọt đối tượng để có thể lợi dụng để rửa tiền.

       + Khoản 1, Điều 17 quy định cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao cho các cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét khi sử dụng khái niệm người giữ chức vụ cấp cao, hiện nay khái niệm này chưa phổ cập rộng rãi, thậm chí trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa rõ ràng;khái niệm này còn định tính có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, nhất là đối với đối tượng là cá nhân người nước ngoài.

        + Điểm a, khoản Điều 44 quy định: “khi có cơ sở pháp lý đề nghị đề những nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội", đề nghị làm rõ nội dung khi có cơ sở pháp lý để nghi ngờ. Quy định như trên là chung chung sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện và đối với đối tượng điều này có thể sẽ dẫn đến sự lạm quyền trong thi hành công vụ. Đề nghị xem xét về trách nhiệm bồi thường khi đối tượng báo cáo thực hiện các biện pháp trì hoãn giao dịch nhưng sau đó xác định không có hành vi rửa tiền gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân; xem xét, quy định nội dung này nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tránh lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân,trên thực tế trong thời gian qua cho thấy có nhiều vụ việc rửa tiền thông qua hoạt động mua bán bất động sản, giao dịch thông qua bằng hình thức tiền mặt phổ biến các giao dịch tự phát không qua sàn giao dịch. Đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua bán, cho thuê bất động sản, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp v v.

       Ngày 25/10/2022, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)./.