Sáng ngày 12/02/2025, tại Nhà Quốc
hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn,
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể để xem xét,
thông qua một số dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, quyết định một số nội dung
quan trọng, trọng tâm là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị
quyết 18 của Trung ương và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Toàn cảnh hội trường
Tham dự phiên khai mạc có đồng
chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lương Cường, Ủy
viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị,
Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực
Ban Bí thư; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí Ủy
viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng
Chính phủ; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng; các Ủy viên Ủy
ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
khai mạc kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch
Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất
quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc
cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước
trong kỷ nguyên mới, đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao
của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán
bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem
xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo
đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian
phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của
Đảng đã đề ra.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ
làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12/02 đến ngày 19/02/2025, trong đó làm việc cả
ngày thứ Bảy để xem xét, quyết định nhiều nội dung:
Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét,
quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn
tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương
Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt
động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp
xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu
quả cao hơn"...
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem
xét, dự kiến thông qua 04 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật
Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 05
dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính
phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét,
thông qua 07 Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối
với một số dự án, công trình như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội
năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư Dự án tuyến
đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để
phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố
Hồ Chí Minh đến năm 2035; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 -
2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù
để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...
Thứ ba, Quốc hội sẽ tiến hành một
số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới
hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong
giai đoạn tới.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân
chủ, trên tinh thần "hiệu quả công việc là trên hết", cùng với kinh
nghiệm thực tiễn công tác và thực tiễn địa phương, cơ sở sẽ phản ánh, góp ý
chân thành, thẳng thắn, chất lượng để toàn bộ các nội dung trong chương trình Kỳ
họp được xem xét, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các
yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhất sự mong đợi của cử
tri và Nhân dân cả nước.
Theo Chương trình kỳ họp, sau
phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Đề án bổ
sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở
lên; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự án
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đồng thời tiến hành thảo luận
tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự
án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)./.