Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; d...

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; chiều ngày 06/5/2025; Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại Tổ 16 gồm các tỉnh: Hà Nam, Kon Tum, An Giang, Lai Châu. Đồng chí U Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum chủ trì phiên thảo luận.

z6574471087729_4b23dec168edd69cd42d93fb627bc13d.jpg

Đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, 

đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu

         Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thay mặt cơ quan thẩm tra các dự án luật đã giải trình, làm rõ căn cứ và sự cần thiết việc xây dựng các dự án luật cũng như các nội dung cốt yếu của từng dự án luật để các đại biểu trong Tổ có thêm thông tin trong quá trình thảo luận.

        Đối với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đại biểu cho rằng dự thảo Luật được thiết kế theo hướng giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tư duy quản lý chuyển từ kiểm soát quy trình sang quản lý dựa trên kết quả, hiệu quả. Nhiều quy định nhằm thu hút nguồn lực xã hội: khuyến khích doanh nghiệp, quỹ tư nhân đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; mở rộng cơ chế ưu đãi, đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, luật kế thừa tối đa các nội dung đã phát huy hiệu quả từ Luật năm 2013, đảm bảo tính liên tục và khả thi.

        Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự thảo Luật được thiết kế đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng giảm rào cản hành chính, tăng trách nhiệm doanh nghiệp, theo đó bổ sung quy định chấp nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận của nước ngoài đối với sản phẩm hàng hóa khi cần, nhằm khắc phục tình trạng thiếu năng lực thử nghiệm trong nước. Đồng thời chuyển mạnh sang hậu kiểm, tháo gỡ những quy định “không quản được thì cấm" vốn cản trở đổi mới sáng tạo. Dự thảo Luật cũng đã hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và hạ tầng chất lượng, đưa ra tiêu chí rủi ro để xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, là nhóm có khả năng mất an toàn ngay trong luật. Đồng thời lần đầu bổ sung khái niệm “Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI)" theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng pháp lý đồng bộ cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam.

        Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tạo khung pháp lý toàn diện, chặt chẽ hơn cho việc phát triển năng lượng nguyên tử an toàn, an ninh, đáp ứng yêu cầu cả khi Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân lẫn mở rộng ứng dụng bức xạ trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp. Theo đại biểu đây là bước chuẩn bị kịp thời để Việt Nam sẵn sàng cho giai đoạn mới trong phát triển năng lượng. Tính khả thi của luật được bảo đảm nhờ nền tảng nguồn nhân lực và kinh nghiệm tích lũy suốt thời gian qua.

        Để các dự án Luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả; đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần chủ động, sớm ban hành các văn bản dưới luật, các quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, phù hợp. Chỉ có như vậy, những đột phá thể chế mà luật mang lại mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, tháo gỡ các nút thắt, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, từ trung ương đến các địa phương.

z6574471822733_6686988df8f1dd76d41b7a3d0119a200.jpg

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu

         Tham gia phát biểu ý kiến đối với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành và quan điểm xây dựng dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.Theo đại biểu, dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; điều chỉnh các vấn đề thực tiễn phát sinh gắn với bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng, tăng cường tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

        Về một số ý kiến cụ thể; đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị bổ sung vào Điều 3 dự thảo Luật khái niệm Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo do khái niệm này được đề cập tại Điều 45 tuy nhiên chưa được định nghĩa hoặc giải thích từ ngữ.

       Tại điểm a khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật quy định về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước; đại biểu Thắng cho rằng nên quy định nội dung này theo hướng để các bên tự thỏa thuận trên cơ sở đảm bảo quyền lợi tác giả. Trong trường hợp cần thiết phải quy định khung tối thiểu thì cần quy định cụ thể các trường hợp xác định lợi nhuận từ thương mại hàng hóa.

       Về ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị bổ sung các nội dung về chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ startup công nghệ và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thành lập. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn Big data... trong nội dung quy định về phát triển nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

      Đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); đại biểu Phạm Hùng Thắng đồng tình với đề nghị sửa đổi Luật hiện hành nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ hạt nhân; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh sát hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và đặc biệt để quản lý việc triển khai, vận hành dự án điện hạt nhân.

       Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của dự án luật.

      Đối với quy định về Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc: “Bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố trong chuỗi cung ứng liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm thiết bị hạt nhân, nguồn phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân, nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn, mất an ninh từ các khâu sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu kho, phân phối và sử dụng." nhằm quy định chặt chẽ thêm hệ thống an toàn hạt nhân tổng thể, ngăn ngừa rủi ro ngay từ giai đoạn đầu vào và nâng cao khả năng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra sự cố.

       Đại biểu cũng đề nghị tách khái niệm “sự cố bức xạ" và “sự cố hạt nhân" do sự cố bức xạ thường xảy ra ở quy mô nhỏ như rò rỉ nguồn Co-60 trong bệnh viện, sự cố mất nguồn phóng xạ tại công trường... trong khi đó sự cố hạt nhân nghiêm trọng hơn rất nhiều, liên quan tới lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân như đã xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Chernobyl. Sự cố hạt nhân cần huy động quy mô quốc gia, thậm chí quốc tế, trong khi sự cố bức xạ có thể ứng phó cục bộ. Vì vậy, nếu không phân biệt rõ trong luật, sẽ dẫn đến áp dụng sai cấp độ ứng phó, gây quá tải hoặc chủ quan trong xử lý.

        Theo chương trình kỳ họp, sáng ngày 07/5/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Buổi chiều Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).