Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ q...

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

         Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 28/10/2024, sau phiên thảo luận ở hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh. Đồng chí Ngô Chí Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh điều hành phiên thảo luận. ​

hn-qh-28.10.jpg

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham gia buổi thảo luận tại tổ

        Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn; đại biểu cho biết việc sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

        Đại biểu đánh giá cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, khá đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trong đó đã nêu rất cụ thể nhiều nội dung đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, để hoàn thiện dự án luật; dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, những dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo tính khả thi.

thang-qh-28.10.jpg

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh,

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại buổi thảo luận

       Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Phạm Hùng Thắng có một số kiến nghị, đề xuất tham gia đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

      Thứ nhất, Khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sỹ Quan quân đội nhân dân sửa đổi bổ sung Điều 13 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan: cấp úy 50; Thiếu tá 52; Trung tá 54; Thượng tá 56; Đại tá nam 58 (nữ 55) và cấp tướng nam 60 (nữ 55); tuy nhiên, theo Luật BHXH, lao động nam tham gia BHXH đủ 35 năm (nữ là 30 năm) mới được hưởng lương hưu mức tối đa là 75%. Vì vậy, sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi hết tuổi phục vụ tại ngũ, nghỉ hưu sẽ không đủ số năm tham gia BHXH để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ của của sĩ quan qua đó vừa giữ gìn đội ngũ sĩ quan vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của Quân đội, vừa thực hiện chính sách cán bộ; đồng thời, thống nhất với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội; (tương đồng với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân đang quy định: Cấp uý 55;  Thiếu tá, trung tá: nam 57, nữ 55; Thượng tá: Nam 60, nữ 58; Đại tá: Nam 62, nữ 60; cấp tướng: Nam 62, nữ 60).

      Thứ hai, điểm b, và điểm c Khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 2 và bổ sung khoản 2a đối với Điều 46 Luật hiện hành về kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và chính sách tiền lương, phụ cấp đối với sĩ quan Quân đội nhân dân. Đây là những quy định khung, đại biểu đề nghị để Luật có hiệu lực thi hành ngay, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cụ thể hoá đầy đủ nội dung trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung được quy định trong Luật sửa đổi.

      Theo chương trình Kỳ họp, sáng ngày 29/10/2024 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)./.