Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo ...

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu.

         Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 24/10/2024 Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên thảo luận.

z5963330964207_06e7d2df172c846eb7e736e6a0652847.jpg

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh,

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam điều hành phiên thảo luận

         Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm tương thích với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2024; đồng thời để tháo gỡ khó khăn cho công tác khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh trong thực tế hiện nay.

        Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ hơn về việc quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế để đảm bảo tương đồng với quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; vì nếu quy định như dự thảo Luật hiện nay chưa thực sự chặt chẽ và dễ dẫn đến việc có thể sẽ ngay lập tức hình sự hóa hàng loạt, điều này là không ổn, nhất là đối với người sử dụng lao động.

        Đối với việc sửa đổi quy định về phương thức đóng bảo hiểm y tế, đại biểu Hiền đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ hơn đối với các trường hợp tự đóng; ví dụ như đối với chủ hộ kinh doanh thì phương thức đóng bảo hiểm y tế thực hiện như thế nào.

z5963321798665_11986722fca665eed3e8caf78fd7a5a3.jpg

Đồng chí Trần Thị Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

phát biểu tại buổi thảo luận tổ

        Đối với việc sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu  đề nghị rà soát để bảo đảm tính khả thi và hợp lý khi quy định tại việc thanh toán chi phí về hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa đồng thời đề nghị phải bổ sung nguyên tắc hay mức thanh toán để phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế nhưng cũng giảm bớt phần chi trả cho người bệnh nếu họ thuộc đối tượng đồng chi trả.

      Về mức hưởng bảo hiểm y tế, đại biểu cơ bản nhất trí với những nội dung điều chỉnh, bổ sung như dự thảo. Tuy nhiên đối với việc nâng mức hưởng từ 95% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với đối tượng là sỹ quan công an nhân dân, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan công an, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu cần cân nhắc, giữ nguyên như hiện hành để bảo đảm tính công bằng với các đối tượng nghỉ hưu khác. Đề nghị cần làm rõ hơn quy định việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa bàn giáp ranh để bảo đảm thuận lợi cho người bệnh và công bằng cho các đối tượng khác.

z5963336985928_c2cac0e5ba55f11f314f55ae801db74c.jpg

Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban

Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

phát biểu tại buổi thảo luận tổ​

        Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, bày tỏ sự tán thành và nhất trí cao đối với sự cần thiết ban hành dự án Luật Dữ liệu. Việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết nhằm tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Quốc Hùng đã có phân tích, làm rõ những nội dung còn có ý kiến trái chiều, chưa rõ như việc thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia, nguồn lực để triển khai thực hiện các quy định trong dự án luật, việc đào tạo, bố trí nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra…

      Theo chương trình làm việc, sáng ngày 24/10/2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn./.


Tin liên quan