Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ c...

Tin tức, sự kiện  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

        Sáng ngày 12/02/2025; sau phiên khai mạc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

z6310961867490_a0fb11d73f49ee476b8e6706876c3f44.jpg

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận tại tổ

       Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại Tổ 18 gồm các tỉnh: Trà Vinh, Thanh Hóa, Hà Nam. Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chủ trì phiên thảo luận.

       Tại buổi thảo luận, các đại biểu trong tổ bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Các dự án Luật cơ bản bám sát Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết số 56 ngày 25/22/2024 của Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), các Kết luận, gợi ý, định hướng của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị trong thời gian qua.

z6310966921868_f331aa642ca3836885086525204f6094.jpg

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

tham gia thảo luận tại tổ

        Tham gia ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh lại tên Điều 5 cho phù hợp với nội dung của Điều hoặc bổ sung nội dung sửa đổi Luật tại Điều 5. Đối với Điều 39 Luật hiện hành đã được sửa đổi, tách nội dung quy định về việc khôi phục nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội thành một khoản riêng; do đó đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên đưa quy định này thành mục riêng không? Nếu quy định thành mục riêng thì đề nghị nghiên cứu sửa đổi tên Điều cho phù hợp vì Điều 39 Luật hiện hành chưa bao hàm quy định việc trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục lợi ích của đại biểu.

       Đối với việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy cơ quan cơ quan của Quốc hội hiện nay, đại biểu đề nghị xem xét việc ảnh hưởng đến số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách so với hiện nay; trường hợp có sự thay đổi, đề nghị nghiên cứu sửa đổi Điều 23 Luật hiện hành cho phù hợp.

      Tham gia ý kiến đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng bày tỏ sự tán thành về việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã, HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước từ quyết định sang Thông tư. Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên cân nhắc việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND quận vì đây là hình thức văn bản rất quan trọng của công tác điều hành, quản lý của UBND quận.

      Về các nội dung cụ thể, tại khoản 2 Điều 8 dự thảo luật, đại biểu đề nghị nên quy định văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó nhằm tránh sự tùy tiện trong việc ban hành văn bản hoặc chưa đánh giá được hết tác động của việc bãi bỏ văn bản.

       Tại Điều 56 dự thảo luật về ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật; đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc quy định thẩm quyền ngưng hiệu lực hoặc bổ sung hình thức tạm ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật do HĐND ban hành cho Thường trực HĐND cùng cấp trong thời gian giữa hai Kỳ họp của HĐND đối với trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật được phát hiện qua công tác tự kiểm tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

       Đối với việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, tại Điều 58 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trường hợp áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ngang nhau về thẩm quyền ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định Thường trực HĐND ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn áp dụng đối với nghị quyết của HĐND. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ cơ chế, chính sách đặc biệt để để thu hút, trọng dụng cán bộ. công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác xây dựng pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 68 dự thảo Luật.

z6310964584805_6c6a84d2374ef36c25f02bf7af9c5d9a.jpg

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, 

đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ

       Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã phân tích các nhược điểm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và đề xuất giải pháp khắc phục.

      Đối với quy định về phạm vi lập pháp theo đại biểu còn chưa cụ thể, có thể dẫn đến khó khăn trong thực thi. Cụ thể, Khoản 2, Điều 5 quy định rằng luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, lâu dài, còn các nội dung chi tiết về thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn, kỹ thuật sẽ do Chính phủ và các cơ quan liên quan quy định. Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhiều vấn đề quan trọng không được quy định cụ thể trong luật, dẫn đến việc Chính phủ hoặc bộ, ngành có thể tùy ý điều chỉnh theo từng giai đoạn mà không có sự giám sát chặt chẽ từ Quốc hội. Từ đó đại biểu đề nghị cần bổ sung tiêu chí rõ ràng hơn về những nội dung bắt buộc phải được quy định trong luật và những nội dung có thể giao cho Chính phủ, bộ, ngành quy định; đồng thời quy định trách nhiệm báo cáo định kỳ của Chính phủ đối với Quốc hội về các nội dung được giao cụ thể hóa để tránh lạm dụng quyền hạn.

      Đối với quy định về tổ chức bộ máy của Quốc hội, theo đại biểu còn chưa thực sự tinh gọn, chưa có giải pháp cụ thể để giảm số lượng cơ quan trực thuộc và tối ưu hóa bộ máy; việc thành lập đơn vị chuyên môn giúp việc cho Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội có thể dẫn đến việc hình thành thêm bộ máy trung gian, tăng chi phí vận hành. Do đó đề nghị cần có đánh giá thực tiễn về số lượng Ủy ban, Hội đồng dân tộc hiện tại để xác định cơ quan nào có thể sáp nhập hoặc tinh giản; bên cạnh đó cần hạn chế thành lập thêm các đơn vị chuyên môn giúp việc mà thay vào đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm sự cồng kềnh của bộ máy.

      Đối với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi bị xử lý kỷ luật còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế xử lý rõ ràng nếu đại biểu bị điều tra kéo dài nhưng chưa có kết luận chính thức, không nêu rõ quy trình bảo vệ quyền lợi của đại biểu trong trường hợp bị điều tra oan sai. Do đó đại biểu Khải đề xuất cần quy định rõ về thời hạn tạm đình chỉ để tránh việc kéo dài không có căn cứ; bổ sung cơ chế bảo vệ quyền lợi của đại biểu Quốc hội trong trường hợp bị đình chỉ oan sai, bao gồm việc phục hồi vị trí, danh dự và các quyền lợi đi kèm.

      Về cơ chế giám sát hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật chưa đề cập cụ thể về công cụ giám sát thực tế; chưa có cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo sử dụng ngân sách hiệu quả. Để khắc phục hạn chế nêu trên, cần bổ sung quy định về các hình thức giám sát như: kiểm tra đột xuất, đánh giá hàng năm, yêu cầu giải trình trước Quốc hội hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước. Đồng thời nghiên cứu thành lập một ủy ban độc lập chuyên giám sát việc sử dụng ngân sách của Quốc hội để đảm bảo tính minh bạch.

      Đối với quy định về lấy phiếu tín nhiệm chưa quy định rõ về tần suất thực hiện, có thể dẫn đến việc giám sát chưa thường xuyên, không phản ánh đúng thực trạng. Do đó cần quy định cụ thể tần suất lấy phiếu tín nhiệm, ví dụ: ít nhất 2 năm/lần thay vì để Quốc hội quyết định theo tình hình thực tế.

      Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao việc sửa đổi có nhiều bước tiến quan trọng trong việc giảm chồng chéo pháp luật, rút ngắn quy trình lập pháp, tăng cường phân quyền và minh bạch hóa chính sách; cơ chế lấy ý kiến và phản biện được nâng cao, góp phần giảm rủi ro lợi ích nhóm trong quá trình lập pháp; đồng thời ứng dụng công nghệ vào công khai pháp luật giúp tăng tính minh bạch.

      Tuy nhiên, theo đại biểu, các quy định trong dự thảo Luật cũng bộc lộ một số điểm còn hạn chế, đó là vẫn chưa thực sự đơn giản hóa quy trình lập pháp ở mức tối ưu; giảm trách nhiệm giải trình của cơ quan lập pháp, làm giảm khả năng phản biện sâu sắc; đồng thời thiếu cơ chế xử lý văn bản kém chất lượng, có thể tiếp tục tạo ra bất cập trong thực thi pháp luật.

      Để việc sửa đổi thực sự giúp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cần bổ sung một số quy định để khắc phục, bao gồm: Cho phép kết hợp thẩm tra và thẩm định để giảm bớt một bước trung gian; đồng thời, cần có cơ chế thử nghiệm pháp lý cho các chính sách mới thay vì đợi quy trình lập pháp hoàn chỉnh. Bắt buộc công khai báo cáo tiếp thu, giải trình trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội; yêu cầu báo cáo định kỳ về việc thực hiện các ý kiến góp ý. Quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với người ký ban hành văn bản trái luật, có thể áp dụng hình thức xử lý hành chính hoặc bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống kiểm tra tính thống nhất của luật, giúp phát hiện các quy định mâu thuẫn một cách tự động trước khi ban hành.

        Phát biểu tham gia ý kiến đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đồng tình với việc dự thảo Luật đã lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã, bổ sung Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước.

       Đối với quy định về phản biện xã hội, đại biểu thống nhất với dự thảo về việc giao chức năng phản biện xã hội cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, thực tế công tác phản biện hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thể thực hiện đối với tất cả các dự án Luật. Đại biểu đề nghị các cần tăng cường hơn nữa công tác phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả văn bản.

       Đối với vấn đề tham vấn chính sách, đây là lần đầu tiên được pháp luật quy định; do đó đại biểu đề nghị cần quy định thật rõ, thật cụ thể về chủ thể, quy trình và phải phân biệt rõ các hình thức phản biện xã hội, tham vấn chính sách và lấy ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

       Về thông qua và điều chỉnh chương trình lập pháp hằng năm tại Điều 25, Điều 26 dự thảo Luật; đại biểu nhất trí với quy định chuyển thẩm quyền từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tính linh hoạt.

      Về quy trình trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 dự thảo Luật có sự thay đổi lớn so với Luật hiện hành với quan điểm cơ quan trình thì trình đến cùng, cơ quan thẩm tra thì thẩm tra đến cùng. Thực tế quy trình xây dựng Luật hiện nay đã bộc lộ nhiều điểm vô lý, bất cập, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác xây dựng Luật, do đó việc thay đổi quy trình làm luật theo đại biểu là hoàn toàn hợp lý. Để hoàn thiện hơn nữa quy trình, đại biểu đề nghị cần quy định rõ cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định đưa dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; đồng thời quy định rõ cơ quan trình dự án Luật có trách nhiệm trong việc xin ý kiến Bộ Chính trị đối với những vấn đề quan trọng.

      Theo Chương trình kỳ họp, chiều ngày 12/02/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội./.