Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam dự hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022

Tin tức, sự kiện HĐND tỉnh  
Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam dự hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022

         Ngày 21/02/2023, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

         Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, đại diện các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND của 63 tỉnh, thành phố. Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam dự hội nghị có các đồng chí: Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng đại diên các Ban của HĐND tỉnh và Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

man_quangninh.jpg

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị,

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu khai mạc hội nghị

         Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: năm 2022, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định; cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm.

        Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đánh giá kết quả hoạt động mà còn đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong giai đoạn tới; đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

        Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026.

hoang_quangninh.png

Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự hội nghị

          Sau phát biểu chào mừng hội nghị của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp tỉnh năm 2022; phương hướng nhiệm vụ và trọng tâm công tác năm 2023.

          Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2022, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố luôn chủ động trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; kịp thời giải quyết những nội dung phát sinh hoặc công việc đột xuất nhằm tháo gỡ hoặc cần triển khai thực hiện các chủ trương mới của Trung ương. Ngoài 2 kỳ họp thường lệ, HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công khoảng 200 kỳ họp chuyên đề; các Kỳ họp HĐND được tổ chức hợp lý, khoa học, bảo đảm vừa kịp thời, giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian chất vấn, thảo luận; công tác điều hành linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp. Năm 2022, HĐND các tỉnh, thành phố ban hành gần 5.900 nghị quyết, trong đó có gần 1.700 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND cấp tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng thẩm tra được nâng lên; báo cáo thẩm tra thể hiện chính kiến và trách nhiệm rõ ràng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp và chất lượng, tính khả thi của các nghị quyết. Hoạt động giám sát của HĐND tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, định rõ kết quả, trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tái giám sát. Năm 2022, cả nước đã thành lập hơn 1.100 đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh, thực hiện 11.133 kiến nghị, trong đó 8.202 kiến nghị đã được giải quyết (đạt tỷ lệ 73,07 %). Thường trực HĐND cấp tỉnh tích cực tham gia, đóng góp rất quan trọng vào kết quả 04 giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH về việc thực hiện Luật Quy hoạch; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hoạt động tiếp xúc cử tri được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp (như: kết hợp trực tiếp với trực tuyến, qua đường dây tiếp nhận ý kiến cử tri, tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri có đại biểu HĐND ba cấp cùng dự…) và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam cùng cấp. Việc tiếp công dân của Thường trực HĐND, đại biểu HĐND cấp tỉnh trung bình đạt 87,86%, một số địa phương có tỷ lệ 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh tiếp công dân; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cả nước trung bình đạt 87,74%..

          Tiếp đó, Hội nghị nghe ý kiến phát biểu, tham luận của Thường trực HĐND 18 tỉnh, thành phố đại diện cho các các địa phương trong cả nước đã làm rõ thêm nhiều kết quả nổi bật, những kinh nghiệm hay, cách làm mới, bài học quý cũng như những tồn tại, hạn chế và có nhiều đề xuất, kiến nghị thiết thực về nhiều nội dung, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026.

hue_quangninh.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

          Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương những kết quả nổi bật trong hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt trong năm 2022. Trên cơ sở thành tựu và bài học năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:

          Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển của địa phương để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đảng đoàn HĐND cần lãnh đạo, chỉ đạo việc tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ, rà soát toàn diện các lĩnh vực, nhiệm vụ chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành để tìm giải pháp thúc đẩy, khẩn trương thực hiện; đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các Vùng.

          Thứ hai, hiện thực hóa yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới bằng chương trình, lộ trình khả thi. Thường trực HĐND các cấp cần chủ động tham mưu cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của HĐND trong hệ thống chính trị; thông tin, tuyên truyền kịp thời, toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu về hoạt động của HĐND đến cử tri và Nhân dân.

          Thứ ba, xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2023 phù hợp, hiệu quả; có các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 594 của UBTVQH về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, từ đó làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, chủ động tham gia có hiệu quả các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong các hoạt động giám sát, khảo sát.

          Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ, góp phần đánh giá cán bộ, về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ “tự soi", “tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Đảng đoàn Quốc hội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo sớm việc sửa đổi, bổ sung các nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của UBTVQH bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy định số 96 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đề nghị HĐND tổ chức thực hiện tốt Quy định số 96, các văn bản của Quốc hội, UBTVQH với nhận thức việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, cụ thể để tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ.

          Thứ tư, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp, gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND. Đề nghị Thường trực HĐND các địa phương cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, xem xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách, nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu. Đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại biểu HĐND; xử lý nghiêm các trường hợp sa sút về phẩm chất chính trị, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và Nhân dân địa phương. 

          Thứ năm, năm 2023, UBTVQH chỉ đạo nghiên cứu, ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của HĐND cấp tỉnh; đồng thời, nghiên cứu đổi mới việc tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND tại 6 khu vực trên cả nước theo hướng không nhất thiết tổ chức hằng năm và sẽ tập trung hơn theo hướng tăng tính liên kết vùng kinh tế, giữa các địa phương có chung đặc điểm văn hóa, xã hội... Theo đó, đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố chủ động, tăng cường phối hợp công tác với các cấp: giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với HĐND, giữa HĐND các tỉnh, thành phố, giữa HĐND các cấp với nhau, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, hiệu quả, thiết thực, thực chất, không hình thức, không phô trương, không lãng phí.