Ngày 14/3/2023, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ tư, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành; Lãnh đạo các Ban, các đồng chí Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh; Lãnh đạo HĐND, các Ban HĐND, Lãnh đạo Văn phòng HĐND&UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo đề dẫn tại hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Hoàng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo đề dẫn thảo luận chuyên đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân ". Theo báo cáo đề dẫn của Thường trực HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 14 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó HĐND tỉnh giám sát 03 chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh giám sát 02 chuyên đề, các Ban HĐND tỉnh giám sát 09 chuyên đề. Các đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm, như: chất lượng nước sạch sinh hoạt; việc xử lý ô nhiễm môi trường, xe quá tải; việc chấp hành pháp luật trong quản lý nhà nước về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn đổi; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, địa phương về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước phục vụ xây dựng nông thôn mới; việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình, đề án (lĩnh vực môi trường, nông nghiệp,…); việc thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở các đối tượng chính sách, người có công, nhà ở xã hội; việc tuân thủ pháp luật trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của chính quyền cấp huyện, cấp xã; công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đối với HĐND các huyện, thị xã, thành phố, thời gian qua cũng đã tăng cường và có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung, giám sát chuyên đề nói riêng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 70 cuộc giám sát chuyên đề; ngoài ra, HĐND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh triển khai giám sát các chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo nghiêm túc, kịp thời, chất lượng.
Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND còn một số tồn tại, hạn chế đó là: việc chuẩn bị báo cáo của một số cơ quan, đơn vị chịu giám sát còn chưa đảm bảo yêu cầu nội dung, tiến độ, chất lượng nên còn phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần; công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận sau giám sát chưa thường xuyên;việc báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị, khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau giám sát còn chưa thực hiện nền nếp, đúng yêu cầu; nhiều nội dung tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết kịp thời, hiệu quả, còn để kéo dài, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh, kiến nghị
Tại hội nghị, Lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh thảo luận một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề: trong lĩnh vực kinh tế-ngân sách; việc thực hiện các chính sách xã hội trong lĩnh vực Văn hoá-Xã hội; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND các huyện, thị xã thành phố thảo luận một số nội dung: kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác cải cách hành chính, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp; thực hiện chính sách an sinh xã hội...
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các sở, Lãnh đạo UBND tỉnh đã trao đổi, làm rõ một số ý kiến, kiến nghị của các đại biểu nêu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương, ghi nhận một số kết quả mà Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời, chỉ ra một số tồn tại hạn chế cần được khắc phục. Trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và HĐND các huyện, thị xã, thành phố, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung sau: Tiếp tục quán triệt, nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kịp thời phát hiện, kiến nghị những vướng mắc, bất cập phản ánh với HĐND tỉnh để tổng hợp, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó: Nội dung, chủ đề giám sát trên cơ sở chỉ đạo, phân công của cấp ủy, ý kiến đề xuất của các Ban HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, kiến nghị của cử tri, phản ánh của báo chí, từ đó, chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, công dân, được dư luận xã hội, nhân dân và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm; Lựa chọn, thành lập Đoàn giám sát là những đại biểu có chuyên môn, kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực giám sát, có tâm huyết, trách nhiệm; có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát để tăng cường trách nhiệm tham gia vào hoạt động giám sát; Xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát đảm bảo trọng tâm và đầy đủ thông tin phục vụ cho nội dung giám sát, nhất là các số liệu để đánh giá, so sánh, kết luận vấn đề; Phương pháp giám sát kết hợp chặt chẽ giữa việc nghe, nghiên cứu báo cáo, khảo sát thực tế, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận định, đánh giá và kết luận vần đề; Kết luận sau giám sát phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực, sát thực tế, nêu ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể, phù hợp, khả thi để thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, không phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các kết luận sau giám sát với tinh thần theo đến cùng các vấn đề, đảm bảo giải quyết triệt để, phát huy hiệu quả hoạt động giám sát; Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp huyện trong quá trình xây dựng Chương trình giám sát, tránh trùng lặp về nội dung, phạm vi, đối tượng, thời điểm triển khai giám sát.
Các vị Đại biểu HĐND tích cực, chủ động học tập, nâng cao trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định; nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Duy trì thường xuyên, hiệu quả mối liên hệ giữa đại biểu HĐND với địa phương nơi ứng cử; kịp thời nắm bắt những vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở./.