Chiều 01/11/2022, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ cùng các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ.
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận nhất trí Về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đồng thời cũng nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, việc xây dựng luật Phòng thủ dân sự sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Phát biểu đóng góp ý kiến đối với Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ hơn một số quy định đại biểu quan tâm như:

Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại tổ thảo luận
- Về quy định về kiểm toán, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân ( Chương VIII). Đây là hoạt động cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, công khai, thúc đẩy các tổ chức đẩy phát triển. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính khả thi của quy định cơ quan tiến hành kiểm toán là cơ quan nào, quy trình kiểm toán, cách thức kiểm toán để tránh việc gây khó khăn, cản trở cho các tổ chức này trong quá trình hoạt động.
- Về quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ( Điều 21) với mục đích của quỹ hỗ trợ tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, việc thành lập quỹ này là cần thiết nhưng không rõ quy định về nguồn tài chính, hình thành quỹ, cơ chế vận hành và quản lý quỹ.
- Về liên đoàn hợp tác xã, dự thảo luật đã bổ sung các quy định mới về liên đoàn hợp tác xã. Đây là loại hình thức mới, hiện đang áp dụng thí điểm, chưa có đánh giá, tổng kết, đánh giá tác động; đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn khi luật hóa về loại hình tổ chức này.
- Về tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác (Điều 106, Điều 107 Chương X ) dự thảo luật đã quy định vị trí, vai trò, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, trên thực tế, liên minh hợp tác xã Việt Nam, Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên tư vấn, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định cụ thể hệ thống liên minh hợp tác xã của các cấp, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước cho hoạt động của tổ chức đại diện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung các quy định về tổ chức này, đồng thời làm rõ hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương cơ chế nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động.

Đại biểu Lê Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại tổ thảo luận
Phát biểu đóng góp ý kiến đối với Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Nga, Đoàn ĐBQH Tỉnh Hà Nam có một số ý kiến gồm:
- Đề nghị cơ quan soạn thảo luật hóa tối đa những quy định của các nghị định hướng dẫn Luật Hợp tác xã trước đây mà các nội dung của các quy định đó đã áp dụng ổn định trong thời gian qua, để nhằm luật hóa những nội dung đã được sử dụng ổn định, qua đó giảm thiểu việc phải hướng dẫn. Về tính thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật, đại biểu thấy Luật Hợp tác xã liên quan đến rất nhiều luật như Luật đất đai, Bộ luật dân sự; đại biểu đề nghị cần có danh mục để xác định được là những quy định của Luật Hợp tác xã liên quan đến bao nhiêu luật. Về xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo các luật đó như thế nào và sẽ liên quan đến áp dụng pháp luật. Trong trường hợp mà một quy định vừa là Luật Hợp tác xã điều chỉnh và cũng là luật khác điều chỉnh thì ưu tiên áp dụng như nào, để tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật
- Về thể chế hóa 8 chính sách của Nghị quyết 2020-NQ/TW, qua theo dõi, đối chiếu giữa Nghị quyết 20, dự thảo luật, các nội dung Nghị quyết 20 đã được thể chế hóa. Tuy nhiên, một số chính sách còn chung chung, đại biểu đề nghị phải cụ thể hơn.
- Về tên gọi, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật hợp tác xã sửa đổi, như tên đã đưa vào chương trình xây dựng luật, vì khái niệm hợp tác xã là gắn với lịch sử phát triển của Việt Nam được sử dụng thường xuyên và việc dẫn chiếu lâu nay cũng có dẫn chiếu Luật hợp tác xã vào các luật khác, vấn đề này đã đi vào thực tế cuộc sống; chúng ta có Luật hợp tác xã 1996, Luật hợp tác xã 2003, Luật hợp tác xã năm 2012. Đồng thời tên gọi này bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.
- Về tổ hợp tác, đại biểu nhất trí bổ sung tổ hợp tác trong dự thảo luật nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác. Tuy nhiên, quy định này trong dự thảo luật còn khá mờ nhạt. Đề nghị quy định cụ thể hơn về tổ hợp tác, bổ sung làm rõ hơn các điều kiện khác ngoài số lượng thành viên để chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã như các điều kiện về nguồn lực tài chính, về tài sản, về quy mô hoạt động bổ sung điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác.
- Về liên đoàn hợp tác xã: Việc thành lập liên đoàn hợp tác xã theo đại biểu là chưa đủ, căn cứ cả về chính trị, cả về pháp lý và thực tiễn. Đề nghị chưa luật hóa quy định về liên đoàn hợp tác xã mà trước mắt nên tiến hành thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết 20 và sau khi thí điểm đánh giá, tổng kết lại rồi sau đó đưa vào luật.
- Về liên minh hợp tác xã Điều 58: luật hiện hành đã quy định về việc thành lập và hoạt động của Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh. Đại biểu đề nghị cần có tổng kết riêng về liên minh hợp tác xã để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn; Đồng thời cần bổ sung quy định giao hệ thống liên minh hợp tác xã thực hiện một số dịch vụ công trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
- Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Điều 21), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn quy định tại Điều 21 dự thảo về nguồn hình thành quỹ; cơ chế vận hành quỹ; cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ hỗ trợ phát triển ở trung ương và cấp tỉnh và đặc biệt cần làm rõ vai trò và chức năng của quỹ để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò của ngân hàng hợp tác xã vào quỹ hỗ trợ, quỹ tín dụng nhân dân đang quy định hiện nay.
Phát biểu đóng góp ý kiến đối với Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam có một số ý kiến tham gia cụ thể như:
Thứ nhất, tại Điều Khoản 1, Điều 12 quy định về công trình phòng thủ dân sự là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng phục vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố. Đại biểu cho rằng Khoản 1, Điều 12 là khái niệm giải thích từ ngữ của cụm từ công trình phòng thủ dân sự; đại biểu đề nghị nên đưa vào Điều 2 (giải thích từ ngữ )để bố cục cho phù hợp. Cũng tương tự như vậy, Khoản 1, Điều 21 cũng quy định về cấp độ phòng thủ dân sự là hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng phòng thủ dân sự, người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Nội dung này là khái niệm giải thích từ ngữ liên quan đến cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng nên đưa vào Điều 2 về giải thích từ ngữ cho phù hợp.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại tổ thảo luận
Thứ hai, tại Khoản 4, Điều 4 của dự thảo luật quy định về chính sách của nhà nước trong phòng thủ dân sự, trong đó có quy định đó là nâng cao năng lực cho lực lượng phòng thủ dân sự, xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ trong dự thảo luật lực lượng chuyên trách; từ đó có chính sách quy định để xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại cho phù hợp, đảm bảo tránh lãng phí về nguồn nhân lực.
Thứ ba, tại Điều 9 về các hành vi bị cấm, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một hành vi đó là hành vi ngăn cản người khác tham gia hoạt động phòng thủ dân sự.
Thứ tư, tại Mục 4, Chương II về hoạt động phòng thủ dân sự trong trường hợp khẩn cấp, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tên gọi của mục này. Hiện nay khái niệm này chưa được đề cập và làm rõ trong các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; trong dự thảo luật cũng chưa có việc giải thích khái niệm này hoặc giải thích từ ngữ liên quan đến cụm từ hoạt động phòng thủ dân sự trong trường hợp khẩn cấp, do vậy chưa phân biệt giữa tình trạng khẩn cấp, khẩn cấp về phòng thủ dân sự với tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hay tình trạng khẩn cấp về an ninh của quốc gia hay tình trạng khẩn cấp về thảm họa dịch bệnh.
Thứ năm, trong Mục 4 chương này tên gọi các Điều 28, 29 lại là phòng thủ dân sự cấp độ 4, theo đại biểu hiểu đó là hoạt động phòng thủ dân sự trong trường hợp khẩn cấp được hiểu là phòng thủ dân sự cấp độ 4. Như vậy giữa tên đầy đủ và tên điều và nội hàm của điều thì nó cũng chưa có sự thống nhất. Đề nghị đối với các cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải thích rõ thêm các khái niệm hoặc những cụm từ này; đồng thời sử dụng các từ ngữ cho thống nhất các mục, các điều quy định trong luật.