Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

        Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 09/11/2024 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh.

        Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bày tỏ sự nhất trí cao với lý do và sự cần thiết ban hành như nội dung tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Theo đại biểu, đây là dự án quan trọng, có liên quan đến nhiều Bộ luật, Luật khác, do đó cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự đồng nhất trong hệ thống pháp luật, tránh những vướng mắc phát sinh khi tổ chức triển khai thực hiện.

thang-qh-09.11.jpg

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

phát biểu tại buổi thảo luận

        Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đại biểu bày tỏ sự đồng tình với những chính sách rất ưu đãi với nhà giáo như quy định Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" hay “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đề nghị"Tuy nhiên đại biểu bày tỏ sự băn khoăn đối với việc trong dự thảo Luật cũng vẫn còn giữ lại nhiều chế phụ cấp của nhà giáo trong khi theo Nghị quyết 27 Ban chấp hành trung ương về cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức đã có quan điểm thu hẹp, hợp nhất nhiều khoản phụ cấp liên quan đến vùng miền, phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thu hút. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải trình rõ ràng hơn đối với những nội dung này. Bên cạnh đó, mặc dù đồng tình với những chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét đến tương quan với chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khác.

        Đối với quy định về nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu; đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng nhà giáo dạy trường lớp dành cho người khuyết tật, dạy thực hành đối với các nghề thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật, nhà giáo làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do những đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của các đối tượng nhà giáo này.

        Tham gia ý kiến đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi); đại biểu Phạm Hùng Thắng bày tỏ sự đồng tình với quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong đó nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đại biểu, đây là điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành, trong đó việc giải thể Quỹ quốc gia về việc làm và thực hiện cấp nguồn ngân sách Trung ương thẳng về Ngân hàng Chính sách xã hội như vậy là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015.

       Đối với quy định về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm; đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng là những người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, dịch bệnh. Như đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi vừa qua, có những làng bản bị xoá sổ hoàn toàn, nhiều người lao động mất trắng tài sản, sinh kế… đây là những đối tượng gặp rất nhiều khó khăn rất cần có nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục lao động, sản xuất.

       Đối với quy định về thông tin thị trường lao động, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lĩnh vực, ngành, nghề do đây là những nội dung quan trọng, có tác động trực tiếp đến sự phát triển thị trường lao động, do đó cần được cung cấp để người lao động, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn thông tin này, từ đó có những định hướng, quyết định chính xác hơn.

       Về các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ việc làm; theo đại biểu Thắng, quy định như trong dự thảo Luật chưa có nhiều đổi mới về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ so với các quy định hiện hành. Đại biểu đề nghị cần phải quan tâm đến Trung tâm này do hiện nay chúng ta chưa có những chính sách đủ mạnh để phát triển, thu hút đội ngũ tư vấn viên có năng lực, trình độ chuyên môn sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải pháp để phát triển trung tâm, như là ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ cho các trung tâm, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho trung tâm, nhất là các địa phương ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

       Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, từ sáng ngày 11/11/2024, Quốc hội tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn./.


Tin liên quan