Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về các dự án Luật

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ về các dự án Luật

         Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 29/10/2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán, Luật kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Tổ 18 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa điều hành phiên thảo luận. 

thang-29.10.jpg

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh,

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại buổi thảo luận

          Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công sửa đổi cơ bản đã khắc phục được các bất cập, các điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương; cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 05 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện các dự án đầu tư công. Đại biểu tin tưởng rằng khi các quy định mới của Luật này đi vào thực tiễn sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như quy trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Để đảm bảo tính khả thi cao hơn khi Dự án Luật có hiệu lực và đưa vào thực hiện, đại biểu Phạm Hùng Thắng có một số kiến nghị, đề xuất tham gia đối với  dự án Luật Đầu tư công sửa đổi như sau:

   Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 7 - Dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị chỉ nên tổng hợp quy định chung các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và giao cho Chính phủ hướng dẫn quy định chi tiết: khoản 2 Điều 7 dự thâỏ Luật đã quy định.

 Thứ hai, Tại điểm b khoản 1 Điều 9 - Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi Quy định về tiêu chí phân loại dự án nhóm A:1. Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau: ... b) Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao". Đề nghị nghiên cứu: Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được đầu tư, việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng được thực hiện như các dự án hạ tầng xây dựng khác (nhóm B, nhóm C tùy theo mức vốn đầu tư) để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động của các địa phương.

 Đề nghị sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 9 thành như sau: “Dự án đầu tư xây dựng mới hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao".

Thứ ba, tại điểm b, khoản 2, Điều 38, về Điều chỉnh chủ trương đầu tư quy định: b)“Trường hợp chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án nếu điều chỉnh chương trình, dự án phát sinh thay đổi về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư chương trình, dự án so với nội dung tại chủ trương đầu tư chương trình, dự án". Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm cả trường hợp có thay đổi về “phạm vi, quy mô đầu tư" thì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thứ tư, Tại Điều 47- Luật Đầu tư công sửa đổi Quy định về việc điều chỉnh chương trình, dự án: Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án không được thể hiện trong nội dung của Quyết định/ Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như Quyết định đầu tư dự án. Sau khi cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn; để thực hiện bước tiếp theo sẽ phải điều chỉnh dự án (trong đó chỉ điều chỉnh nội dung về thời gian thực hiện dự án). Tuy nhiên, tại Điều 47 quy định các trường hợp điều chỉnh dự án không có nội dung do kéo dài thời gian bố trí vốn. Đề nghị bổ sung nội dung này.

Thứ năm, Tại Khoản 2 Điều 57- Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi Quy định về điều kiện bố trí vốn hàng năm thì sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư mà chưa được bố trí vốn hàng năm thì không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư như việc GPMB,  thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Để rút ngắn về thời gian, thủ tục thực hiện các công việc nêu trên, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm vào Khoản 2 Điều 57 và được sửa đổi như sau: “2. Chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền (quyết định chủ trương đầu tư), quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan".

Thứ sáu, tại khoản 1, Điều 58 - Dự thảo Luật quy định về thời gian bố trí vốn thực hiện dự án:Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án thực hiện như sau: a) Dự án nhóm A không quá 06 năm; b) Dự án nhóm B không quá 04 năm; c) Dự án nhóm C không quá 03 năm". Tuy nhiên, về quy mô đầu tư đối với dự án đầu tư công đã được nâng lên gấp 2 lần (quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 - Luật Đầu tư công sửa đổi). Do vậy, đề nghị nghiên cứu, xem xét kéo dài thêm thời gian thực hiện tương ứng đối với mỗi nhóm dự án. Đề xuất: mỗi nhóm dự án được kéo dài thêm 01 năm, cụ thể: a) Dự án nhóm A không quá 07 năm; b) Dự án nhóm B không quá 05 năm; c) Dự án nhóm C không quá 04 năm.

   Thứ bảy, tại Khoản 1 Điều 59 - Dự thảo Luật quy định về Vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm: 1.“Vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án" quy định như trên thì các công việc phải thực hiện tiếp theo như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… sẽ không triển khai thực hiện được khi chưa bố trí vốn thực hiện Dự án.

Để khắc phục hạn chế nội dung này và rút ngắn về thời gian thực hiện các công việc nêu trên, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Khoản 1 Điều 59 và Khoản 3 Điều 59 Dự thảo Luật, theo hướng: chuyển các công việc như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong bước thực hiện đầu tư về bước chuẩn bị đầu tư.

Nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 59 của Dự thảo sau khi sửa đổi như sau:

1. Vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án hoặc hạng mục của dự án; đấu thầu lựa chọn nhà thầu.

3. Vốn thực hiện dự án được bố trí để giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công và thực hiện các công việc khác để hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng dự án.

Thứ tám, Quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 75: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau trong 09 trường hợp". Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp vào khoản 3 Điều 75: Dự án bị ảnh hưởng tiến độ do công tác đền bù, GPMB để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đối với công trình theo tuyến, công trình có khối lượng GPMB lớn, nhất là đối với các công trình giao thông, công trình khu, cụm công nghiệp…

Cùng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham gia đóng góp ý kiến với 05 nhóm vấn đề như: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

khai-29.10.jpg

Ông Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

phát biểu tại buổi thảo luận tổ 


Tin liên quan