Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Công thương về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Công thương về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016
Sáng 7/3, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Uông Chu Lưu chủ trì đã có buổi làm việc với Bộ Công thương.

Tham gia buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 tại Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết theo Nghị định số 95/2012/NĐ- CP, Bộ Công thương là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành, lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khó, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, lưu thông hàng hóa trong nước, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế thương mại quốc tế, quản lý cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý nhà nước các dịch vu công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Công thương có 30 tổ chức hành chính, 35 đơn vị đào tạo, 11 Viện nghiên cứu và 5 đơn vị sự nghiệp khác; trong đó, có 1 Tổng cục, 10 Cục, 17 Vụ, 2 tổ chức hành chính khác và 51 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Ngoài ra, trong cơ cấu của Bộ Công thương còn có một số tổ chức giúp việc các Ban chỉ đạo liên ngành. Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết năm 2016, Bộ Công thương được giao biên chế hành chính là 1.261 người, song thực tế hiện nay số lượng cán bộ, công chức của Bộ Công thương là 1.171 người. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2017, dự kiến Bộ Công thương tinh giản được 372 người với tổng kinh phí thực hiện là 41,675 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho hay quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại Bộ còn một số tồn tại, hạn chế như tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, số đơn vị đầu mối còn nhiều; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ còn gặp sai sót; việc xây dựng thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế gặp nhiều khó khăn do công tác đánh giá cán bộ còn chung chung, nể nang dẫn đến thực hiện tinh giản biên chế chậm. Trong phân định nhiệm vụ quyền hạn còn có những điểm chồng chéo, đan xen với các bộ, ngành khác như với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác quản lý về an toàn môi trường công nghiệp, an toàn lao động đối với máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng công tác cải cách tổ chức bộ máy của Bộ Công thương vẫn có thể thực hiện triệt để hơn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Theo đó, thời gian tới, Bộ Công thường sẽ thực hiện sắp xếp theo nguyên tắc: đối với đơn vị theo mô hình Tổng cục nếu không đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì sẽ tổ chức lại theo mô hình Vụ trực thuộc Bộ, giảm bớt số lượng biên chế công chức phục vụ, không trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước; đối với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau về tính chất, nội dung nhiệm vụ sẽ hợp nhất, sáp nhập nhằm giảm bớt đầu mối.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, thực hiện cải cách tổ chức, bộ máy hành chính tại Bộ Công thương vừa qua đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là thực hiện tinh giản biên chế với 4 đợt tinh giản đã thực hiện, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ. Bên cạnh đó, thành viên Đoàn giám sát cũng bày tỏ băn khoăn trước số lượng các đơn vị đầu mối hành chính và các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Công thương là lớn nhất trong các bộ, ngành; trong đó nhiều vụ đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ đề nghị Bộ rà soát, làm rõ và đề xuất những giải pháp nhằm tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, Bộ Công thương cần phải đánh giá chính xác những tồn tại, hạn chế trong cải cách tổ chức bộ máy tại đơn vị mình; tập trung vào vấn đề quản trị, điều hành, phân cấp, phân quyền của Bộ cho các đơn vị đầu mối và cho các địa phương vừa bảo đảm quản lý đa ngành, đa lĩnh vực vừa thông suốt, mạch lạc. Đồng thời, trên cơ sở những vấn đề đã được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra như trùng lắp, chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ với các bộ, ngành khác; việc quản lý cán bộ, luân chuyển cán bộ, môi trường làm việc để bảo đảm công chức trong sạch, liêm chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử… Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo lại với Đoàn giám sát của Quốc hội.

Tin và ảnh: Bảo Yến