Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tin tức, sự kiện HĐND tỉnh  
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

       Chiều ngày 13/6/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

qh ky 3-13.6.2022.jpg

​Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

       Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra. Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đại biểu Phạm Hùng Thắng tán thành với quy định hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện nhằm tiếp tục kế thừa kết quả đã đạt được của hệ thống thanh tra hành chính cấp huyện đã có quá trình hình thành, phát triển, ổn định lâu dài.

       Về việc Thanh tra Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ và tương đương, đại biểu cho rằng việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không phải là vấn đề hoàn toàn mới mà là kế thừa hợp lý quy định của Luật Thanh tra năm 2004; đây là nội dung quan trọng của dự thảo luật lần này, có ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra, đặc biệt là hoạt động thanh tra chuyên ngành, vì vậy, cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và toàn diện.

       Từ Luật Thanh tra năm 2004 đến trước khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, cơ quan Thanh tra đã được thành lập ở nhiều Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ, Cục thuộc Tổng cục. Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 toàn bộ hệ thống các cơ quan Thanh tra ở các Tổng cục, Cục chuyển đổi thành các bộ phận hoặc đơn vị tham mưu về công tác thanh tra thực hiện hoạt động thanh tra theo chức năng, nhiệm vụ của các tổng cục, cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; kéo theo đó là sự thay đổi, điều chỉnh về chế độ, chính sách và các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức từ các ngành, thanh tra viên chuyển sang chuyên viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Đến nay, sau hơn 11 năm, cơ quan chủ trì soạn thảo lại đề xuất quay lại mô hình tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành ở cấp Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ như trước đây. Do vậy, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị:

a thang-ky3-13.6.2022.png

 Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

phát biểu thảo luận tại hội trường

       Thứ nhất, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tác động, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hiện nay tại các tổng cục, cục trực thuộc bộ.

      Thứ hai, để đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục mà không giữ như dự thảo luật hiện nay là giao Chính phủ quyết định thành lập. Đặc biệt các tiêu chí nguyên tắc thành lập phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn quản lý thực sự cần thiết mà không dàn đều, dàn trải ở tất cả các tổng cục, cục.

      Thứ ba, đồng thời với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ thì cần thiết kế quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Thanh tra của Bộ để vừa không chồng chéo, trùng lặp, vừa không đùn đẩy trách nhiệm và không né tránh trách nhiệm. Đề nghị quy định theo hướng trường hợp Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực Tổng cục, cục đó phụ trách. Thanh tra Bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực mà Tổng cục, Cục thuộc Bộ không có cơ quan thanh tra chuyên ngành.

      Về việc thành lập Thanh tra Sở theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đại biểu Phạm Hùng Thắng tán thành với việc quy định tại Điều 10, Điều 27 của dự thảo luật về phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở. Tuy nhiên, tương tự việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục như nêu trên, đại biểu đề nghị quy định rõ trong luật các tiêu chí thành lập Thanh tra Sở hoặc giao Chính phủ xác định cứng danh sách các Sở được lập Thanh tra; trên cơ sở căn cứ vào phạm vi quản lý nhà nước để lựa chọn các ngành, lĩnh vực có tác động sâu trong xã hội như y tế, giáo dục hoặc nguy cơ cao phát sinh tham nhũng, tiêu cực như tài chính, xây dựng, giao thông, việc quy định rõ ràng cụ thể các tiêu chí được thành lập Thanh tra Sở sẽ đảm bảo tính hiệu quả và thống nhất trong triển khai thực hiện.

     Về việc phân định thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, một nguyên tắc và cũng là nội dung sửa đổi quan trọng của dự án Luật Thanh tra là đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch trách nhiệm giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra và nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan thanh tra, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra. Để đáp ứng yêu cầu này, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung sau:

      Thứ nhất, về phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính và cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Để khắc phục một cách triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, dự thảo luật cần quy định rõ hơn về trọng tâm, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là thanh tra hướng vào bên trong các cơ quan quản lý nhà nước, gắn với việc thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng tâm, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực là hoạt động thanh tra chuyên ngành hướng ra bên ngoài với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội nói chung gắn với việc kiểm tra, xử phạt vi phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực.

      Thứ hai, về phân định thẩm quyền cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và Chánh Thanh tra các cấp. Dự thảo luật quy định "Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, chỉ đạo, lãnh đạo công tác thanh tra. Chánh Thanh tra có thẩm quyền ra quyết định thanh tra và kết luận thanh tra nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, hạn chế sự can thiệp, tác động trái pháp luật vào hoạt động thanh tra". Tuy nhiên, trong thực tế phát sinh nhiều cuộc thanh tra có nội dung thanh tra phức tạp, rộng và liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, đối tượng thanh tra cũng bao gồm nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đối với các cuộc thanh tra hành chính. Do vậy, việc chỉ giao thẩm quyền ra quyết định thanh tra cho Chánh Thanh tra các cấp có thể dẫn đến những khó khăn nhất định khi trưng tập đại diện các cơ quan có liên quan tham gia thành viên của đoàn thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh khi tiến hành thanh tra những sự phối hợp, hợp tác của các đối tượng và các bên có liên quan, tính hiệu lực của kết luận kiến nghị xử lý về thanh tra do cơ quan thanh tra theo cấp hành chính không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có phương án quy định cho phù hợp, khả thi, cân nhắc việc kế thừa quy định của luật hiện hành là "giao cho Chánh Thanh tra và các thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp ra quyết định thanh tra khi xét thấy cần thiết".

      Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.