Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

         Sáng ngày 14/11/2022, theo chương trình kỳ họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

nguyen duc hai-luat dat dai.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại hội trường

        Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong nhiều luật khác, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các tổ chức, người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, để từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường, khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; việc phát biểu cần ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề, tránh trùng lặp.

        Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã tham gia một số ý kiến như:

        Thứ nhất, đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án luật của cơ quan soạn thảo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

141120221034-phạm-hùng-thắng---hà-nam.jpg

Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

phát biểu thảo luận tại hội trường

         Thứ hai, về việc xử lý những mâu thuẫn, bất cập giữa Luật Đất đai với các luật khác, đại biểu cho rằng đây là vấn đề lớn, gây nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư trong thời gian qua. Bởi vì Luật Đất đai liên quan đến nhiều luật, do vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không để cùng một vấn đề được quy định, điều chỉnh bằng nhiều luật khác nhau, được quản lý bằng nhiều cơ quan khác nhau, nếu thiếu tính nhất quán sẽ vướng mắc như hiện nay. Đồng thời, rà soát cụ thể, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng mà Nghị quyết 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đặt ra.

        Thứ ba, về thu hồi đất, bồi thường đất, tái định cư và giá đất. Đây là vấn đề gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thu hồi đất; dự thảo luật lần này đã quy định chi tiết hơn một số nguyên tắc, trường hợp tiêu chí thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Song trong thực tế, việc thuyết phục người dân, người sử dụng đất hợp pháp đồng thuận với việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng rất khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định về các dự án, công trình thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng tại khoản 2 Điều 86 để phù hợp, bao quát, đầy đủ với quy định tại khoản 2 Điều 11 về phân loại đất với nhóm đất phi nông nghiệp. Nghiên cứu, xem xét thêm quy định về thẩm quyền thu hồi đất tại Điều 90 với quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tại điều 93 thực tế hiện nay nhiệm vụ của cấp xã là khá nặng nề; cấp tỉnh, cấp huyện thì ra quyết định thu hồi đất, nhưng cấp xã phải tổ chức họp dân để phổ biến, thuyết phục, vận động người dân rất khó khăn; do thiếu thông tin đầy đủ nội dung của các dự án. Theo đại biểu, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về sự phối hợp giữa cấp ra quyết định thu hồi, chủ đầu tư dự án với cấp xã trong quá trình thực hiện thu hồi đất mới có thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc. Về giá đất, đây là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai và trong thực tiễn cũng nảy sinh nhiều khiếu kiện xung quanh vấn đề này. Do vậy, đề nghị cần làm rõ nguyên tắc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, quy định rõ về quy trình kiểm tra, giám sát của địa phương trong xây dựng bảng giá đất hằng năm.

        Thứ tư, vấn đề về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là khi đầu tư các dự án có sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực tế cũng rất phức tạp, phải xin ý kiến nhiều cơ quan khác nhau. Hiện tại dự thảo luật có điều thì quy định rất cụ thể về quy trình, thủ tục, thời gian, thành phần hội đồng như Điều 93, Điều 95, Điều 96, nhưng các quy định liên quan đến công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận thì chưa rõ thời hạn, thủ tục. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát để có những quy định phù hợp, nên quy định nguyên tắc về thủ tục, trình tự, thời gian cụ thể đối với những vấn đề có thể quy định, tránh phiền hà về thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

        Cùng phát biểu thảo luận tại hội trường đối với Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH Tỉnh Hà Nam có một số ý kiến:

141120221012-trần-văn-khải---hà-nam.jpg

Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH Hà Nam phát biểu thảo luận tại hội trường

         Thứ nhất, đại biểu đề nghị Quốc hội nên xem xét thảo luận kỹ về dự án luật Đất đai sửa đổi lần này trước khi thông qua. Bởi vì Quốc hội khóa XV xác định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ; cần nghiên cứu, sửa đổi các nội dung của Luật, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

         Thứ hai, về hồ sơ dự thảo luật của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình có 17 đầu tài liệu với gần 1.000 trang thuyết minh. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến nhiều chiều của các đại biểu trong các buổi thảo luận tại tổ và tại hội trường để hoàn chỉnh dự thảo

         Thứ ba, về sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã cơ bản thể chế được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Đại biểu quan tâm việc sửa đổi Luật Đất đai lần này thể chế được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đặt ra là: Nâng số lượng đô thị từ 862 của năm 2020 lên khoảng 1.200 đô thị vào năm 2030; nâng tỷ lệ đô thị hoá từ 40% năm 2020 lên 50% vào năm 2030; nâng tỷ lệ đóng góp của Kinh tế khu vực đô thị từ 70% năm 2020 lên 85% vào năm 2030. Có thể nói, Nghị quyết 06 đã đặt ra mục tiêu rất lớn trong việc phát triển đô thị Việt Nam cũng như sự tăng trưởng của Kinh tế khu vực đô thị Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, muốn phát triển được đô thị thì quan trọng nhất là phải tạo được quỹ đất sạch, cơ chế tiếp cận đất đai thuận lợi, cơ chế tài chính đất đai rõ ràng và quyền, nghĩa vụ của các chủ thể phải được bảo đảm, hài hoà và minh bạch. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý chủ trương quan trọng này của Đảng để thể chế hoá, sửa đổi Luật đất đai, tạo được hành lang pháp lý, đồng thời thực hiện thành công Nghị quyết 06-NQ/TW của Đảng.