Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

         Chiều ngày 08/6/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV tiếp tục tiến hành phiên chất vấn trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội với nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng. Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã chất vấn Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

        Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.

a thang-qh ky 3-08-6-2022.png
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chất vấn Thống đốc ngân hàng Nhà nước

          Tham gia chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước đánh giá tình trạng vốn điều lệ của 04 ngân hàng thương mại nhà nước so với quốc tế; giải pháp gì để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng này và đề nghị Thống đốc cho biết tại sao chỉ đề xuất kéo dài mà không sửa đổi Nghị quyết 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017  của Quốc hội để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; nếu kéo dài không sửa đổi, cần có giải pháp gì để giải quyết các khó khăn vướng mắc.

        Trả lời chất vấn về việc đánh giá về tình trạng vốn của 04 ngân hàng thương mại nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình trạng vốn chung của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam nếu so với các nước trên thế giới và trong khu vực thì của chúng ta tiềm lực tài chính vẫn thấp. Riêng đối với 04 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất là vào khoảng 3,8 tỷ USD, mức này vẫn thấp so với một số nước trong khu vực ví dụ như Malaysia, Singapore, mức vốn chủ sở hữu của ngân hàng lớn nhất của họ cũng phải 14 đến 19 tỷ USD. Trong thời gian vừa qua, thấy được việc tăng vốn để tăng cường tiềm lực tài chính, Quốc hội quan tâm và trong Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ. Đối với 03 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối thì dùng từ nguồn lợi nhuận, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vẫn là ngân hàng 100% vốn nhà nước thì đó là nguồn ngân sách nhà nước.

thống đốc ngân hàng-qh ky 3.jpg

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

        Về đề nghị đề xuất kéo dài mà không sửa đổi Nghị quyết 42 của Quốc hội để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; nếu kéo dài không sửa đổi thì cần có giải pháp gì để giải quyết các khó khăn vướng mắc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Nghị quyết 42 là nghị quyết có hiệu quả đối với xử lý nợ xấu; nếu không được kéo dài thì việc xử lý sẽ rất khó khăn, khi nợ xấu không được xử lý thì doanh nghiệp vẫn treo nợ xấu, như vậy rất khó tiếp cận với các khoản vốn tín dụng của ngân hàng. Nghị quyết 42 là những chính sách mới, có liên quan đến nhiều quy định của pháp luật, việc sửa đổi Nghị quyết đòi hỏi thời gian đánh giá tác động của Nghị quyết, do vậy Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ đề xuất với Quốc hội xin kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42. Trong thời gian Nghị quyết được kéo dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ, các ngành rà soát, tham mưu về cách thức luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu. Đồng thời, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, đối với một tổ chức tín dụng hay toàn hệ thống thì vấn đề quan trọng là ngoài việc nâng cao tiềm lực tài chính, còn một vấn đề quan trọng khác đó là nâng cao năng lực quản trị, điều hành và quản trị điều hành phải gắn với phát hiện, cảnh báo rủi ro và có biện pháp để xử lý.

        Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.