Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khai mạc phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Khai mạc phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Sáng nay 14/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 8. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp                               Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên họp này sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 21/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về 5 dự án luật đã được được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua gồm: dự án Luật du lịch (sửa đổi), dự án Luật đường sắt (sửa đổi), dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), dự án Luật quy hoạch và dự án Luật quản lý ngoại thương. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 là dự án Luật thủy sản (sửa đổi), dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 nghị quyết là: Nghị quyết quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch nước; Nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động và chế độ hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; việc ban hành nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy; về mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế; Đề án tự chủ của Viện nghiên cứu lập pháp.

Ban hành Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp về quyền tố cáo của công dân là quyền con người

Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật tố cáo (sửa đổi), Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết việc xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tổ cáo năm 2011 như về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong nhiều trường hợp chưa rõ ràng; chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước; một số quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể; thiếu các quy định cụ thể, chi tiết, đầy đủ, toàn diện, khả thi nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; chưa quy định rõ ràng về hành vi, thiếu các chế tài cụ thể xử lý trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm cũng như công dân khi có những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố cáo…

Bên cạnh đó, xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người; đồng thời tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dự thảo Luật bao gồm 9 chương với 64 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 02 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: (1) tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; (2) tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, để phân biệt tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, dân sự, khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật đã quy định: “Tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày Tờ trình về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ cáo (sửa đổi) của Ủy ban pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật tố cáo nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập như Tờ trình của Chính phủ đã nêu và nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Ủy ban pháp luật cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan (Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật giao dịch điện tử, Luật cán bộ, công chức…) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, những nội dung quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân thì cần được quy định ngay trong Luật.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tố cáo nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật; hình thức tố cáo; về tố cáo nặc danh; thời hiệu tố cáo…

Hình thức tố cáo phải bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp 

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu mở rộng hình thức tố cáo bằng điện thoại, tin nhắn thì quá rộng, khó xử lý, nguy cơ tố cáo tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc xác minh người tố cáo và nội dung tố cáo.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng cần bổ sung các hình thức tố các khác như loại ý kiến thứ hai. Nhấn mạnh việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ Luật phòng, chống tham nhũng cũng đã có quy định Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 65). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo cần phải cân nhắc để các quy định của Luật tố cáo (sửa đổi) không làm vô hiệu hóa các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Đồng thời lưu ý, không thể đánh đồng tố cáo qua điện thoại hay dùng fax, thư điện tử với tố cáo nặc danh, không rõ địa chỉ.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là dự luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, do vậy, luật cần cụ thể chặt chẽ, đặc biệt, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy định về các hình thức tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật, nếu dự luật không mở ra hình thức tố cáo khác thì không đồng bộ với Luật phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, trong bối cảnh hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính nếu không mở rộng cho người dân thực hiện quyền tố cáo qua các hình thức thông tin thông dụng là không phù hợp. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định sao cho bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời quy định chặt chẽ, rõ ràng việc gửi tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax phải có thông tin, nội dung, đúng người, đúng cơ quan có thẩm quyền chứ không phải gửi tràn lan.

 

Bảo Yến