Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cân nhắc kỹ quy định chuyển từ phí sang giá trong Luật đường sắt

Tin tức, sự kiện Đoàn ĐBQH tỉnh  
Cân nhắc kỹ quy định chuyển từ phí sang giá trong Luật đường sắt
Sáng 15/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật đường sắt (sửa đổi). Đây là dự án đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.

Chính sách ưu đãi hỗ trợ hoạt động đường sắt phải khả thi, phù hợp thực tiễn

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng Dự thảo luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay, là một trong vài nước còn lại trên thế giới vẫn sử dụng đường sắt khổ 1m. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ quyết liệt phát triển công nghiệp đường sắt;cần phát triển từng loại hình đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải nhằm kiến tạo nên một hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả, ít tác động tiêu cực tới môi trường, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã rà soát, chỉnh sửa Điều 5 về chính sách phát triển đường sắt của Dự thảo Luật. Theo đó, quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt được phê duyệt; quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt; phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia; đã bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại. Các chính sách cụ thể được quy định tại các điều trong Chương III “Phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt”. Bên cạnh đó, trong tất cả các chương, điều của Luật đều hướng tới mục tiêu này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng nếu đã xác định đường sắt đóng vai trò chủ đạo thì cần phải xác định rõ chiến lược phát triển  ngành đường sắt và phải bao quát các nội dung trong Luật. Luật cần phải mở ra chính sách để thu hút đầu tư phát triển cho ngành đường sắt, đặc biệt tại các quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt phải được bảo đảm về khả năng thực thi trên thực tế cao như miễn giảm thuế, nguồn ưu đãi dài hạn…

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, cần xem xét việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư một cách phù hợp thực tế, khả năng của nguồn lực đất nước. Nếu hỗ trợ quá nhiều thì ngành đường sắt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước làm tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát lại về đầu tư cho đường sắt, trong đó những chính sách, cố gắng rà lại Điều 5 và Điều 6, riêng những quy định thuộc về Luật ngân sách, Luật đầu tư, Luật thuế là phải để các luật này quy định, không được phép quy định ở các luật mang tính chất chuyên ngành. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét luật này với hệ thống các luật khác để tránh chồng chéo. Nếu có quy định ưu đãi thì quy định ưu đãi ở mức độ cao nhất theo quy định của các luật thuế, còn cụ thể như thế nào thì phải do các luật thuế đó quy định.

Cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt và lộ trình thực hiện quy định này. Hiện nay còn có 2 lại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, cho rằng quy định cơ chế phí như hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường, không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, kinh doanh đường sắt, cần áp dụng cơ chế giá cho linh hoạt và thuận lợi trong việc lựa chọn được đơn vị có khả năng sử dụng hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Hơn nữa, đối với kết cấu hạ tầng đường sắt do doanh nghiệp đầu tư, việc sử dụng cơ chế giá cũng sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư khi thảo luận cho thuê. Loại ý kiến thứ hai đề nghị áp dụng đồng thời 02 hình thức phí và giá. Theo đó, hình thức “Phí” áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước được giao kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; hình thức “Giá” áp dụng đối với doanh nghiệp khác ngoài nhà nước thuê, chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo thống nhất thể hiện quy định áp dụng hình thức giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt và rút ngắn lộ trình thực hiện từ 05 năm (năm 2023) xuống 03 năm (năm 2021) từ ngày Luật mới có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp

Bày tỏ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất và giải trình của Ủy ban KH,CN&MT, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần áp dụng cơ chế giá cho linh hoạt bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Đồng thời cần làm rõ cơ chế quản lý giá bảo đảm sự công khai, minh bạch trong giá phí trong hoạt động kinh doanh đường sắt. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh việc chuyển từ phí sang giá phải phù hợp với chiến lược phát triển đường sắt theo hướng vận chuyển hàng hóa lớn và đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí luật cần quy định những chính sách để tạo ra sự đột phá trong ngành đường sắt và làm sao để cho ngành đường sắt trở thành một hướng vận tải quan trọng, chủ yếu, chủ đạo, đồng thời xã hội hóa và thực hiện cơ chế thị trường; phải thực hiện cơ chế thị trường một cách toàn diện, đầy đủ trong tất cả các khâu kinh doanh, áp dụng chính sách giá là chủ yếu, phí chỉ áp dụng với các dịch vụ mang tính phục vụ hành khách và theo hướng chọn phương án 1 là chủ yếu để các đồng chí rà soát.

Về thẩm quyền định giá, kinh doanh đường sắt thuộc diện kinh doanh có điều kiện, vì nhà nước đầu tư cho nên phải chăng nhà nước phải định giá theo cơ chế thị trường, tính đủ nhưng phải do nhà nước quy định. Vấn đề này phải rà lại theo quy định của Luật giá. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải rà soát lại để phù hợp với Luật quy hoạch (sửa đổi). Những điều nào mà Luật quy hoạch đã quy định rồi thì trong luật này không quy định nữa, chỉ dựa vào đó để chúng ta xây dựng.

Bảo Yến